Hang Quân Y nằm trên đảo Cát Bà, thuộc huyện đảo Cát Hải, Thành phố Hải Phòng. Hang nằm trong động Hùng Sơn, bên con đường độc đạo xuyên đảo, cách thị trấn Cát Bà 13km. Gọi là hang Quân Y vì trong thời gian chiến tranh với Mỹ, người ta đã xây cả một bệnh viện hàng trăm giường nằm trong lòng động. Cửa hang được làm bằng hợp kim sắt thép, trải qua bao năm nhưng vẫn rất chắc chắn.
- Chương trình Đảo Cát Bà
Nằm ngay ven đường chính của Vườn quốc gia Cát Bà, Hang Quân y là một điểm bạn nên đến nếu có dịp ghé thăm huyện đảo này. Chắc chắn bạn sẽ bất ngờ vì quy mô hoành tráng của một bệnh viện dã chiến trong lòng núi. Từ trung tâm thị trấn Cát Bà đi khoảng 13km, bạn chỉ mất khoảng 30 phút đến đến Hang Quân y và hang này rất dễ tìm thấy bởi biển chỉ dẫn nằm ngay ven đường.
Lối lên của hang hiện nay vẫn giữ theo kiểu ngày trước (thang gỗ cơ động có thể phá hủy khi có báo động địch tấn công). Bạn cũng sẽ được "hướng dẫn viên bản địa" dẫn bạn vào hang với giá 15.000 đồng/người. Mặc dù chỉ là hướng dẫn viên nghiệp dư và cũng chẳng mấy khi có khách nhưng bạn sẽ cảm nhận được sự nhiệt tình của họ mỗi khi bạn đến đây.
Ngay ở lối vào hang đầu tiên, bạn sẽ bắt gặp 1 cánh cửa sắt kiên cố. Giải thích vì sao cánh cửa lại cong gồ lên, anh HDV cho biết, đây là cách để chống đạn, mảnh bom vì khi đạn văng vào, do đường cong của cửa, chúng sẽ bắn sang hai bên thay vì găm thẳng vào gây hư hại cửa. Ngay sau tấm cửa kiên cố với 4 chốt sắt phụ, 1 chốt chính là lối vào bệnh viện dã chiến với quy mô cực kỳ hoành tráng. Cửa vào có thể hơi nhỏ khiến bạn hơi sợ bởi sự lạnh lẽo và thiếu ánh sáng của nó.
Ánh sáng dọc theo hành lang gần như chỉ đủ sáng phục vụ cho việc đi lại. Bạn sẽ nghĩ đây là một căn hầm chống bom chứ hoàn toàn không nghĩ nó vốn là một hang động bên trong núi. Một phòng bệnh khá rộng trong bệnh viện dã chiến. Theo thiết kế, tầng 1 là khu vực chính gồm 14 phòng chức năng. Tầng 2 là khu vực chiếu phim và kiểm tra thể lực. Tầng 3 là sảnh đón tiếp, phòng gác và phòng sĩ quan.
Một căn phòng trực của các bác sĩ trong bệnh viện dã chiến hiện ra trước mắt người khám phá ngay sau khi mở cửa. Bạn cũng sẽ phát hiện ra cửa cống thoát nước nằm dọc theo hành lang bệnh viện. Ước tính, toàn bộ bệnh viện dã chiến này rộng gần 2000m vuông gồm có 3 tầng riêng biệt gồm 17 phòng lớn nhỏ, bãi chiếu phim và một số phòng chức năng. Người hướng dẫn này đang chỉ tay giới thiệu, hệ thống điện chiếu sáng cung cấp cho từng phòng nhằm đảm bảo công tác cứu chữa bệnh nhân thời kháng chiến.
Để lên tầng 2, có 2 đường lên và đều không phải dễ dàng bởi nhằm gây khó khăn cho địch nếu chúng tấn công bất ngờ. Khu vực phòng chiếu phim đồng thời cũng là hội trường, nơi tập luyện tác chiến... Mặc dù có những chỗ trần rất thấp, phải nằm bò mới có thể di chuyển được nhưng nó rất hợp cho công tác huấn luyện. Lối lên tầng 3 cũng rất khó nếu vội vàng. Đây là cách chống địch tấn công chớp nhoáng.
Trong trường hợp địch tấn công được vào bên trong, mọi người từ tầng 3 có thể nhảy xuống bể nước bố trí bên dưới tầng 2 sau đó lao ra cửa hầm thoát hiểm và chạy thẳng ra lối cửa phụ. Ngoài ra, trong hang này còn có khu vực cầu thang ngầm đi ngay bên dưới tầng 3. Nó dẫn ra khu thoát hiểm của tầng 3 và đi ra hướng cửa sau của bệnh viện. Cuối đường hầm là 2 tấm cửa sắt lớn chống địch đột kích, công phá. Đây cũng sẽ là lối thoát hiểm nếu địch tấn công từ phía cửa trước.
Cổng ra cũng là cổng thoát hiểm của bệnh viện nằm ở mặt khác ngọn núi, ẩn mình sau những nhũ đá lớn.
Hang Quân Y còn là một địa danh lịch sử do từng là bệnh viện dã chiến trong thời gian đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc Việt Nam trong những năm 1963 – 1965 bằng máy bay và tàu chiến. Trong thời gian này Quân và dân trên đảo đã xây dựng hang dựa vào lòng núi đá vôi tự nhiên để làm nơi chữa bệnh cho thương binh, nơi trú ẩn, tránh bom đạn dân cư địa phương và dân cư sơ tán về từ đảo Bạch Long Vỹ.
Nguồn: http://dulichdaocatba.com/hang-quan-y-trong-rung-cat-ba-n.html