Tuần lễ Biển và Hải Đảo Việt Nam kéo dài từ 1-8.6.2018, là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8.6) và nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại để tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; góp phần cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ, giữ gìn môi trường hòa bình, giữ mãi màu xanh của biển.
Tuần lễ Biển và Hải Đảo Việt Nam kéo dài từ 1-8.6.2018, là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới (8.6) và nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy lòng tự hào, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc gắn với sức mạnh của thời đại để tập trung phát triển kinh tế biển, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; góp phần cùng cộng đồng quốc tế nỗ lực bảo vệ, giữ gìn môi trường hòa bình, giữ mãi màu xanh của biển.
Là một quốc gia có nhiều tiềm năng về biển, với trên 3.260 km bờ biển, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, Việt Nam luôn là thành viên có trách nhiệm trong tuân thủ luật pháp quốc tế, các cam kết, và hưởng ứng mạnh mẽ các sự kiện quốc tế về biển. Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam đã quy định trong Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25.6.2015 và hằng năm chúng ta đều tổ chức cùng với các hoạt động hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới.
Biển và Đại dương đang và tiếp tục đóng vai trò quan trọng các hoạt động kinh tế- xã hội của thế giới; tuy nhiên cùng với đó sự gia tăng các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên biển và đại dương đang kéo theo nguy cơ suy kiệt tài nguyên và ô nhiễm môi trường biển. Hàng năm, hàng chục triệu tấn chất thải rắn đổ ra biển, các sự cố rò rỉ dầu, tràn dầu, hóa chất độc và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái biển, sức khỏe đại dương đang bị ảnh hưởng, đe dọa. Vì vậy, ngày Đại dương thế giới (8.6) năm nay có chủ đề: “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển” (Keep Oceans Blue) nhằm kêu gọi cộng đồng có trách nhiệm bảo vệ môi trường biển, khuyến khích các giải pháp cho vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và ngăn chặn rác thải nhựa trên biển.
Năm nay, Quảng Ninh được lựa chọn là địa phương đăng cai tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam ở cấp quốc gia. Dự kiến, lễ khai mạc cho chuỗi hoạt động này sẽ diễn tại Quảng trường Mặt Trời (phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vào 20 giờ ngày 31.5.2018 với chương trình nghệ thuật “Chung tay giữ màu xanh của biển”; tọa đàm “Thanh niên với phát triển bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, hải đảo Việt Nam”; Phát động cuộc vận động sáng tác ca khúc về biển đảo quê hương.
Điểm nhấn của tuần sự kiện là Lễ phát động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và hưởng ứng Ngày Đại dương thế giới năm 2018 sẽ diễn ra sáng 1.6 tại khu Bến Do, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Đài truyền hình Việt Nam sẽ phát sóng trực tiếp Lễ phát động và các hoạt động hưởng ứng ngay sau đó: thăm hỏi, tặng quà quần chúng nhân dân, lực lượng tham gia làm sạch biển; tổ chức lễ bàn giao công trình làm sạch biển, chiến dịch ra quân vệ sinh môi trường biển, thu gom xử lý rác thải, chất thải, không thải rác thải nhựa ra môi trường; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm về công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo bền vững, phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh,…
Cũng trong khuôn khổ tuần sự kiện, hoạt động hưởng ứng sẽ đồng loạt diễn ra trên khắp cả nước. Tại các cơ quan, đơn vị sẽ treo băng rôn, pano, áp phích, khẩu hiệu hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam và Ngày Đại dương thế giới ở nơi công cộng, đường phố chính, trụ sở làm việc…; tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, chú trọng các hoạt động có tính lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức cộng đồng; khuyến khích, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; lên án những hành vi khai thác, sử dụng bừa bãi, phá hoại tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiêm môi trường biển và hải đảo.
Tăng cường kiểm soát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, rác thải ven biển và trên các hải đảo, khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích của cộng đồng như: trồng cây xanh chắn cát, chống xói lở và ngăn ngừa xâm nhập mặn, thực hiện các tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ người dân thích ứng với biến đổi khí hậu...