Tiếp theo phần 1 Vietsense Travel sẽ giới thiệu phần 2 đến với các bạn những món ăn đặc sắc của khi quý khách đi hành trình đồ sơn
Nộm sứa Hải Phòng
Nộm sứa đã trở thành đặc trưng của miền biển Hải Phòng, một sản vật độc đáo, một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Trong những món ăn độc đáo mà biển mang lại cho vùng đất Hải Phòng, sứa là loài động vật phù du biển có thể chế biến được nhiều món ăn thú vị, trong đó có nộm sứa. Nộm sứa đã trở thành đặc trưng của miền biển Hải Phòng, một sản vật độc đáo, một món ăn vô cùng hấp dẫn.
Trong tiết trời nóng nực, thưởng thức món nộm sứa sẽ mang lại cho bạn những cảm giác thú vị bởi vị giòn, ngọt, đậm đà cùng mùi thơm của các loại gia vị hỗn hợp.
Sứa xuất hiện theo mùa, từ tháng 3 đến khoảng tháng 6 dương lịch là mùa sứa nổi nhiều nhất. Từ cửa Ba Lạt đến Hòn Dáu trải rộng ra Cát Bà, Bạch Long Vỹ ở đâu cũng có thể gặp những đoàn thuyền ra khơi bắt sứa.
Sứa được làm sạch ướp với muối phèn hoặc ngâm nước lá lăng, vỏ sú vẹt, củ nâu, nước lá ổi. Sau một thời gian, những miếng sứa ngâm muối được bỏ ra ép thành tấm như chiếc bánh đa.
Không như các loại nộm rau, làm nộm sứa khá phức tạp bởi trộn không khéo sẽ làm hỏng sứa và mất mùi thơm. Sứa ngâm muối thường dai và giòn nên phải khéo léo cắt sứa thành miếng mỏng, chần qua nước sôi. Chuẩn bị thêm tôm nõn, thịt lợn ba chỉ, ngó sen, củ sen cà rốt, hành tây dưa chuột, củ kiệu muối chua,rau cần. Các loại rau dùng để làm nộm gồm:húng, răm mùi, rau muống chẻ, xà lách, tía tô, kinh giới. Nước trộn nộm được pha gồm: dấm thanh, tỏi , ớt, đường, nước cốt chanh, nước mắm. Ngó sen cắt khúc, củ sen bỏ vỏ thái mỏng, rau cần cắt khúc, hành tây, cà rốt thái lát mỏng, hoa chuối thái ngâm nước muối nhạt, xoài xanh gọt vỏ thái chỉ, các loại rau thơm cắt nhỏ. Lạc, vừng, hạt điều rang giã giập.
Xếp sứa lên chiếc bát úp để nước sứa tiết ra, sau đó rải lên mặt sứa các loại gia vị trên tồi rưới nước trộn lên.
Trong tiết trời nóng nực, thưởng thức món nộm sứa sẽ mang lại cho bạn những cảm giác thú vị bởi vị giòn, ngọt, đậm đà cùng mùi thơm của các loại gia vị hỗn hợp.
Bánh đa cua Hải Phòng
Hằng ngày, trên khắp đường phố Hải Phòng, trong các quán ăn hoặc vỉa hè, người người đi ăn sáng bằng món bánh đa cua quen thuộc mà luôn hấp dẫn. Buổi sáng khoảng hơn 9 giờ, các quán đã hết sạch bánh đa cua. Buổi chiều thì từ 3 – 4 giờ cho đến chập tối.
Nhiều nơi ở Hải Phòng làm bánh đa sợi, nhưng có tiếng nhất phải là bánh đa khu Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân và bánh đa chợ Hỗ, huyện An Dương. Bánh đa phải làm bằng thứ gạo ngon, xay thành bột mịn và tráng cho mỏng đều, phơi vừa khô thì cắt ra thành sợi.
Bánh đa có loại sợi nhỏ và loại sợi to, màu trắng hoặc màu vàng da bò. Nhiều người thích ăn bánh màu vàng da bò, vì trông bát canh đẹp mắt, gợi thú thèm ăn.
Còn cua thì phải là cua đồng (rốc), không phải cua biển. Cua đồng ngon nhất là loại sống ở các hang hốc bờ ruộng, hoặc ao, đầm. Cua đồng giầu đạm, béo ngậy, ăn mát và bổ.
Làm cua, nấu canh cua cũng khá kỳ công. Nồi nước cua trước khi nấu, phải cho ít mắm tôm mới ngon.
Nhiều chủ quán còn ninh riêng xương lợn, lấy nước dùng, rồi đổ hoà vào nồi nước riêu cua khi sắp sôi. Lúc này, mới đổ gạch cua vào nồi. Canh cua khi đã sôi thì phải để sôi nhỏ lửa, nước canh mới đậm đà, không bị “xác”.
Bánh đa cua thập cẩm là ngon nhất: có tôm (loại tôm sông, tôm bể nhỏ) vàng rượm, có thịt lợn xào mộc nhĩ, hai cái chả thịt lợn bọc lá lốt nức mùi thơm ngậy, hoặc mấy cái chả cá nhỏ như đồng xu và mấy miếng chả thịt lợn to hơn hòn bi trẻ con vẫn chơi.
Tuỳ sở thích và túi tiền của người ăn mà thêm hoặc bớt thứ nọ, thứ kia. Nhưng bánh đa cua nào cũng phải có thêm món rau: ưa nhất là rau muống lá liễu, mỏng cuộng; hoặc rau cải xanh chần tái, hành tươi và rau rút (rau nhút).
Trên bàn ăn, còn nhiều thứ gia giảm rất bắt miệng: đĩa ớt tươi cắt miếng, lọ hạt tiêu bắc, lọ dấm tỏi, tương ớt, đĩa đựng những miếng chanh quả hoặc quất, đĩa rau sống đủ gia vị, v. v…
Bát canh bánh đa cua nóng sốt, màu sắc đẹp mắt, bốc hương vị thơm ngậy tuyệt vời. Ăn bánh đa cua ngon, chắc dạ.
Bạn ăn một bát bún riêu hoặc bát phở khoảng hai tiếng đồng hồ sau bụng đã đói meo! Đằng này, ăn bát bánh đa cua từ sáng đến 11 giờ vẫn no, đủ sức làm việc tốt. Bởi thế, đông đảo người Hải Phòng rất thích bánh đa cua.
Bún tôm Hải Phòng
Từ lâu món bún tôm của miền biển này đã trở thành một đặc sản, hấp dẫn thực khách không chỉ bởi hương vị mà còn ở nguyên liệu và bí quyết độc đáo riêng.
Nguyên liệu chính làm nên sức hấp dẫn cho món ăn này chính là những con tôm biển còn tươi nguyên được đưa lên từ Hải Phòng. Sau đó, chúng được bóc bỏ vỏ, xào cùng một chút hành khô cho thật săn. Cùng với tôm là những miếng chả cá vàng ươm, vài miếng chả lá lốt, thêm ít dọc mùng, thì là, rắc thêm một chút hành răm thái nhỏ và mấy lát cà chua.
Bát bún tôm càng thêm đậm đà bởi vị ngọt, ngậy đặc trưng của nước dùng hàng bún, cùng với vị thơm của tôm, của rau và các loại gia vị. Thực khách yêu thích món bún tôm Hải Phòng đã ăn một lần là nhớ mãi đến hương vị ngọt lừ của món ăn độc đáo ấy.
Từng sợi bún trắng mềm hoà quyện vào màu đỏ của tôm, cà chua, màu xanh của hành, của dọc mùng và màu vàng của chả cá tạo nên một bức tranh sống động nhiều màu sắc.
Trong khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngậy của nước dùng, vị thơm của tôm, của chả cá và đặc biệt là mùi hăng hăng không thể thiếu của vài miếng chả lá lốt.
Nhưng đặc biệt hơn cả là hương vị của nước me chua thay thế hoàn toàn cho dấm và chanh vốn là những gia vị mà chúng ta đã quá quen thuộc. Món bún ăn kèm với một ít rau sống và thêm vào vài miếng ớt khi ăn. Tất cả làm nên một tô bún tôm thật đặc biệt và hấp dẫn.
Thịt trâu chọi Đồ Sơn
Đã từ lâu, mỗi lần đến dịp lễ hội chọi trâu là Lữ khách trong nước và ngoài nước lại nô nức đến Đồ Sơn để sống trong cảnh lễ hội độc đáo của cả nước.
Họ đến để chứng kiến những màn đấu, màn rượt đuổi ngoạn mục của các ông trâu và sau mỗi lần kết thúc lễ hội, mọi người lại được thưởng thức một món ẩm thực vô cùng ngon và độc đáo đó là món thịt trâu chọi. Để được thưởng thức món thịt trâu chọi, không phải lúc nào cũng muốn là được, bởi món ăn đặc sắc này chỉ có trong 2 ngày mồng 8 tháng 6 và mồng 9 tháng 8 âm lịch. Món ăn được chế biến từ thịt trâu chọi cũng đơn giản như những món ăn được chế biến từ thịt trâu thông thường, song phàm ai đã từng được thưởng thức món ăn từ thịt trâu chọi mới thấy được hết hương vị của thịt trâu chọi: ngọt, không dai, thơm và ngậy.
Thịt trâu chọi ở Đồ Sơn khác hẳn so với thịt trâu thông thường, trước hết là về tâm linh, người Đồ Sơn cho rằng trong ngày hội, được thưởng thức món thịt trâu chọi sẽ mang lại may mắn cho cả năm, bởi khi vào dịp lễ hội trâu được tôn thành “ ông ” và được chăm sóc chu đáo. Loại cỏ cho trâu ăn cũng phải là loại cỏ có độ dai, nhiều chất để khi nhai lại vẫn còn dinh dưỡng cho trâu, ngoài cỏ trâu thường được người nuôi cho ăn ngọn mía, thỉnh thoảng cho ăn thêm cháo trộn với thuốc bổ, do đó trâu được nuôi để chọi thường có sức khoẻ tốt, độ lỳ cao. Thịt trâu chọi là một trong những món ăn độc đáo của vùng đất Đồ Sơn quê tôi mà không phải nơi nào cũng có. Một năm khách thăm quan chỉ có 3 lần được thưởng thức món ăn tuyệt vời này và khi đã thưởng thức rồi có lẽ sẽ không bao giờ quên.
Rau muống giòn Đồ Sơn
Đồ Sơn được hình thành từ vùng đất cửa biển, ngập sình lầy. Ở nơi đất trồng chua mặn quanh năm, hầu như không một loại cây hoặc rau nào có thể phát triển tốt. Cây rau muống được trồng ở Đồ Sơn từ xa xưa nhưng cũng không bao giờ xanh tốt. Thân cây còi cọc và không cao.
Rau muống ở Đồ Sơn có vị ngọt, chát và đặc biệt rất giòn. Điều đặc biệt hơn nữa, tại vùng đất Đồ Sơn chỉ có hai nơi có thể trồng được rau muống giòn: khu Cầu Tre và ruộng chua mặn Đầm Nghè. Cũng vì lý do đó mà rau muống Đồ Sơn không có nhiều để bán. Địa chỉ có thể mua được rau muống Đồ Sơn là chợ Cầu Vồng và tại một số nhà hàng khu vực Đồ Sơn.
Rau muống Đồ Sơn có thể chế biến được rất nhiều món ăn, nhưng ngon nhất là om với ghẹ và xào thịt trâu chọi.
Ghẹ om rau muống là một món ăn khá độc đáo tại Đồ Sơn. Tại các nhà hàng, ghẹ om rau muống đã được các đầu bếp chế biến thành một món đặc sản mà ít nơi nào có được.
Nét đặc thù tại Đồ Sơn là một vùng đất mạnh về phát triển nghề cá, những chuyến tàu đi biển thường mang theo về những con ghẹ tươi. Ghẹ chọn về để làm món ghẹ om rau muống là những con mập, càng to, dày mình.
Nguồn nước để nấu được canh ghẹ om rau muống được nấu bằng nguồn nước lấy từ Suối Rồng. Con suối này có mạch ngầm trong dãy Cửu Long Sơn chảy ra quanh năm gần phía đình Ngọc Xuyên. Nước ở đây chỉ chảy với mức độ vừa phải chứ không ào ạt như nơi khác. Chính vì thế người dân Đồ Sơn thường hay quan niệm sử dụng nguồn nước từ núi Mẹ sẽ mang lại điều may mắn và tốt cho sức khoẻ.
Ghẹ ngon, rau muống đặc trưng có độ giòn cao lại được nấu bằng nước lấy từ Suối Rồng đã làm nên một nồi canh ghẹ om rau muống ngon lành khiến bất cứ ai cũng muốn thưởng thức. Nồi ghẹ om bốc khói thơm lừng, nhìn vào trong nồi những miếng ghẹ trắng tinh béo ngậy quyện vào với những ngọn rau muống xanh mướt thật thích thú.
Thịt trâu chọi Đồ Sơn là một trong những món ăn khó kiếm. Một năm Lữ khách chỉ có 3 lần được thưởng thức món ăn tuyệt vời này. Cứ sau mỗi dịp chọi trâu, hầu hết khách thăm quan lại về các nhà hàng ở Đồ Sơn để được thưởng thức món thịt trâu luộc chấm tương gừng, thịt trâu xào khế và thịt trâu xào rau muống Đồ Sơn.
Thịt trâu chọi xào với rau muống được trồng ở Đồ Sơn thì không có gì sánh bằng. Mang đĩa thịt trâu xào với rau muống Đồ Sơn lên bàn tiệc, bạn sẽ cảm nhận được hương vị độc đáo của đất Đồ Sơn. Gắp một miếng thịt trâu chọi được xào với với rau muống kèm thêm mùi thơm của tỏi, của rau ngổ đưa lên miệng, vị ngọt ngào lan toả trên môi sẽ khiến bạn thích thú. Ăn món này, bạn sẽ thấy vị thơm ngon của thịt trâu và độ dai, giòn đặc trưng của rau muống Đồ Sơn.
>>> Tham khảo: Chương trình Phú Quốc 30/4 Câu Cá - Lặn Ngắm San Hô