==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

hành trình đồ sơn không chỉ nổi tiếng về cảnh đẹp của biển mà nó còn nổi tiếng với những muốn ăn ngon và hấp dẫn khó cưỡng.

Bánh mỳ cay Hải Phòng

Về kích thước, ổ bánh mì cay bé chỉ bằng hai đốt ngón tay, dài bằng hay chỉ hơn gang tay người lớn một chút và cũng được làm bằng bột mì thông thường, nhưng khi cắn vào lại giòn rụm và tan nhanh trong miệng. Hẳn nhà sản xuất bánh mì phải có bí quyết riêng nào đó.

Để có một ổ bánh mì cay đặc sắc, pa-tê là thành phần không thể thiếu. Pa-tê được chế biến từ gan, mỡ và thịt nạc heo, thêm hạt tiêu, muối…, tất cả nguyên liệu đều phải thật tươi. Sau khi sơ chế, nguyên liệu được xay nhuyễn rồi hấp cách thủy từ sáu đến tám giờ để thịt và gan quyện vào nhau và có mùi thơm “chính hiệu” pa-tê.

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng (P1) - Ảnh 1

Thành phẩm được cho vào khay hay thố, chờ nguội rồi cho vào tủ lạnh. Theo kinh nghiệm của những người bán hàng thì một khay pa-tê đạt chuẩn khi khối pa-tê đông lại nhưng không quá cứng, cũng không quá mềm, bên trên là một lớp mỡ trắng đục hay có màu giống như cà phê sữa.

 

Khi có khách mua, người bán hàng xẻ dọc chiếc bánh mì, quết vào ruột bánh một lớp pa-tê, một chút mỡ rồi cho vào lò nướng để bánh đạt độ giòn, đồng thời lớp mỡ tan ra, quyện vào pa-tê tỏa một mùi thơm quyến rũ khiến ai đi ngang qua cũng không thể cầm lòng!

 

Thế nhưng bằng đó vẫn chưa đủ để làm nên một chiếc bánh mì cay hoàn chỉnh. Còn cần thêm một thứ nữa, mà lại là yếu tố quyết định cho tên gọi món ăn này: lạp chí chương.

 

Nhiều người ở miền Nam chắc sẽ thắc mắc với thứ nghe lạ lùng đó. Xin thưa, nó chính là… tương ớt. Tên gọi “lạp chí chương” là từ người gốc Hoa sống ở Hải Phòng, dần dà người đất Cảng bỏ từ “lạp”, chỉ gọi “chí chương”.

 

Nguyên liệu để làm chí chương là ớt và cà chua tươi bỏ hạt, tán nhuyễn, nêm thêm dăm củ tỏi băm nhuyễn, chút muối. Sau khi được lên men, hỗn hợp này sẽ cay và thơm.

 

Bánh mì sau khi nướng trong lò sẽ được bày lên đĩa, khi ăn thực khách tự rưới ít hay nhiều chí chương tùy thích. Vị cay của chí chương kết hợp với vị thơm béo của pa-tê và sự giòn rụm của bánh mì làm nên cái ngon khó tả của món ăn.

 

Thực khách vừa ăn vừa hít hà, xong một cái lại muốn ăn tiếp cái thứ hai, rồi cái thứ ba…, có khi đến no kềnh! Bánh mì cay không ăn kèm bất kỳ loại rau nào. Không phải vì ổ bánh quá nhỏ, không đủ chỗ thêm rau vào mà để không phá vỡ vị ngon của món ăn, cũng như giúp cho bánh giòn lâu hơn.

 

Các quán bánh mì cay chỉ cần một lò nướng bằng than, vài bộ bàn ghế nhựa nhưng đủ sức lôi kéo nhiều thế hệ người dân đất Cảng vào dùng bữa sáng hay lót dạ sau giờ làm việc. Còn đối với các cô cậu học trò, bánh mì cay là “đệ nhất quà vặt” sau buổi tan trường bởi nó quá rẻ, chỉ 2.500 đồng/chiếc.

 

Theo một người bán bánh có “thâm niên” đã hơn nửa thế kỷ, các sinh viên Hải Phòng khi lên Hà Nội học thường mua vài chục chiếc bánh mì cay làm quà, còn mỗi khi có trận bóng đá ở sân Lạch Tray, cổ động viên các nơi đổ về xem cũng tìm mua bánh mì cay, có đoàn mua đến… 500 chiếc!

 

Món ăn này có thể để lâu trong tủ lạnh, khi ăn lấy ra cho vào lò vi ba hay áp chảo (không cần dầu) đến khi vỏ bánh giòn, có mùi thơm là dùng được. Nếu có dịp ghé Hải Phòng và muốn thưởng thức món bánh mì cay, bạn hãy đến những điểm bán ở ngõ Khánh Lạp, phố Hàng Kênh, đường Lê Lợi…

 

Vào những ngày mưa gió hay những ngày mùa đông giá rét, không gì thú vị bằng vào một quán bánh ven đường, ngồi bên cạnh lò nướng nóng sực nhâm nhi chiếc bánh mì cay để thấy đất trời và cả lòng người bỗng… ấm áp đến lạ thường!

 

Ốc xào Hải Phòng

 

Ốc xào cay (hay gọi cả tên xuất xứ là ốc xào cay Hải Phòng) là một món ăn đặc trưng trong ẩm thực Hải Phòng và đặc biệt là ẩm thực trên đường phố. Món ốc xào rất phổ biến ở nhiều tỉnh thành của Việt Nam nhưng mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau. Gọi là ốc xào kiểu Hải Phòng bởi nó được chế biến theo cách xào của người Hải Phòng.

Những nguyên liệu chủ yếu tạo nên món ăn này đều rất phổ biến như ốc, sả, ớt tươi, nước chấm ốc, đường, tương ớt, dừa nạo, gừng, me, lá chanh và một số gia vị có xuất xứ từ Hải Phòng.

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng (P1) - Ảnh 2

Một ít dầu ăn được cho vào chảo, rồi sả, ớt tươi, ốc sống còn nguyên vỏ (người ăn có thể tự do chọn lựa loại ốc để xào như ốc mít, ốc hương, ốc đá… ), nước chấm ốc (dùng trong món ốc luộc), đường, tương ớt, dừa nạo và một số gia vị đặc trưng. Tất cả được đảo đều trên bếp để nhỏ lửa. Tuy cách thức chế biến có cầu kỳ hơn nhưng thời gian để ốc xào chín tới cũng không lâu hơn là mấy so với món ốc luộc. Một ít nước ốc xào đặc sánh được người chế biến chắt lại để làm nước chấm khi ăn. Món ốc xào cay đạt yêu cầu phải có hương vị đặc trưng của ốc, vị ngọt của nước xào, vị bùi ngậy của dừa, vị cay của sả và ớt, vị ấm nóng của gừng. Điều này thực khách sẽ cảm nhận rất rõ khi ăn ốc xào trong mùa lạnh hay những ngày trời mát. Khi ăn, thực khách dùng kim khêu để lấy ốc ra như món ốc luộc.

 

Lẩu cua đồng

 

Nước ngọt đậm, phủ kín mặt nồi là riêu cua màu mỡ, lác đác vài cọng hành xanh trên nồi lẩu sôi lục bục, nào nhúng ít rau chuối, thịt bò, đậu rán và chả cá…

Vốn đam mê tất cả những gì liên quan tới cua, có thể sáng ăn bún riêu, trưa ăn bánh đa cua và chiều ăn canh cua ở nhà vẫn thấy ngon như thường, nên xuống Hải Phòng, tôi phải thử bằng được món lẩu cua đồng. Hà Nội cũng có vài hàng bán lẩu riêu ăn được. Hàng Hoàn Tỳ ở phố Nguyễn Khang ăn ngon nhất. Nước lẩu ngon, có nhiều sụn non, nhiều gạch cua, có điều quán không được sạch sẽ lắm.

 

Anh chủ quán có đôi mắt rất đẹp, luôn tự hào: “Tôi đã nấu thì món gì cũng ngon”. Nguyên gốc quán đó là bán lòng, nên khi đợi lẩu riêu sôi, có thể gọi ít lòng tràng hoặc dưa xào lòng già ăn trước cũng rất hợp.

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng (P1) - Ảnh 3

Một quán nữa có lẩu riêu cũng đặc biệt là 1946 trên 63 Cửa Bắc. Quán này bán nhiều món dân dã, lẩu cua đồng được trình bày rất sành điệu. Nước riêu hơi ngòn ngọt dễ ăn, gạch cua để riêng trong niêu sành. Rau sống để nhúng và ăn kèm rất đặc biệt, xà lách lẫn một chút hoa chuối nâu nâu, bẹ chuối trắng và ít ngọn rau muống non.

 

Nhưng khi đã thử qua lẩu cua đồng Minh Quỳnh ở Văn Cao, Hải Phòng thì đây mới quả thực là đỉnh cao. Nước lẩu ngọt đậm vị cua và gạch thì rất thật và xông xênh, chứ không chỉ loáng thoáng và độn thêm đậu phụ, trứng như một số hàng ở Hà Nội. Thấy chủ quán đập thêm hẳn 5 quả trứng vịt lộn, chưa kể, trong nồi còn rất nhiều viên thịt nấm, nhiều đạm thế nước không ngọt mới lạ.

 

Các đồ nhúng kèm rất phong phú, từ giò sống, lòng non, thịt bò, đậu phụ, chả cá… Chả cá Hải Phòng quết cá tươi rán kỹ, ăn vừa giòn vừa dai. Chả vừa rán xong, ăn vã ngon tuyệt mà hơi nguội tý, thả vào nồi lẩu lại càng ngon. Lòng non nhúng vào nước lẩu giòn giòn khoái khẩu. Lẩu riêu ngoài rau sống trộn rau chuối, có thể nhúng cả rau mùng tơi, cực hợp vị… Ăn kèm bún là hợp kiểu nhất nhưng Hải Phòng vốn nổi tiếng về bánh đa đỏ mà, nhúng ít bánh đa đỏ, sợi dai dai đậm đà cho chắc bụng.

 

Đồ ăn Hải Phòng ngon, đậm đà mà lại rẻ. Lẩu riêu có trăm nghìn một nồi, thích nhúng thêm gì thì gọi riêng. Mỗi người ăn chưa đến trăm nghìn mà no say túy lúy. Nhân viên phục vụ “nhanh như một cơn gió” và rất tận tình, dễ chịu.

 

Nem cua bể Hải Phòng

 

Trong khi các loại nem được cuốn dài, hình thuôn thì loại nem cua bể Hải Phòng lại đựơc gói to, vuông vắn bằng lòng bàn tay. Với kiểu dáng đặc biệt, không giống ai này, bánh đa cuốn nem đòi hỏi phải có độ dai, khi rán đảm bảo không bị bục. Lúc ăn, vỏ nem giòn tan, thơm nức. Với sự công phu đó, phải chăng thông qua cách gói nem, người Hải Phòng muốn gửi gắm đến thực khách bốn phương sự chân chất, mộc mạc, phóng khoáng trong tính cách của người dân vùng biển. Và đặc biệt, qua món nem này, người Hải Phòng còn khoe tài làm bánh đa nhất là bánh đa đỏ vốn đã rất nổi tiếng của mình.Đến Hải Phòng có hai món ăn đã trở thành đặc sản mà khẩu vị ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Cảng là bánh đa cua và nem cua. Nét đặc biệt của hai món ăn này là thành phần thịt cua, gạch cua đóng vai trò chủ đạo. Cua bể Hải Phòng không to như nhiều vùng biển khác nhưng bù lại thịt cua rất chắc và thơm ngon.

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng (P1) - Ảnh 4

Để làm nem cua bể, người ta phải rất kỳ công trong khâu lựa chọn cua. Cua được chọn làm nem dứt khoát phải là cua gạch, mình dầy, nặng 0,6-0,8kg/con. Đã gọi là nem thì không thể thiếu các nguyên liệu bắt buộc khác như nấm hương, mộc nhĩ, thịt nạc vai, lòng đỏ trứng gà, hành lá, miến, giá đỗ… cùng các loại gia vị được tẩm ướp trong quá trình chế biến, nhưng với nem cua Hải Phòng thì thịt cua đóng vai trò quyết định và được xem là thành phần chính của nem.

 

Để có được những chiếc nem thơm ngon, đạt tiêu chuẩn, đòi hỏi phải có kỹ thuật chế biến khéo, trong đó khâu bảo quản nguyên liệu nhất là thịt cua rất khắt khe, bởi môi trường bên ngoài, thịt rất dễ hỏng, biến màu, mất mùi vị. Do vậy, khi làm nem, cua chỉ được làm thịt trước đó khoảng chừng 10-15 phút. Đến công đoạn rán nem cũng phải lưu ý để nem ngập trong mỡ sôi già, liên tục đảo đều các cạnh và điều chỉnh lửa cho phù hợp để nem chín vàng đều, không bị lốm đốm cháy. Có như vậy, khi nem chín, thịt cua mới trắng và hấp dẫn.

 

Nước chấm nem cũng rất đặc biệt và quyết định một nửa sự thành công của nem. Và cũng chính từ nước chấm nem lại là yếu tố cơ bản tạo ra nét khác biệt giữa những người đầu bếp và các nhà hàng. Thành phần chủ đạo nước chấm nem vẫn là nước mắm nhưng phải là loại thật ngon để pha chế cùng nước đun sôi để nguội cùng dấm, tỏi, ớt, chanh tươi, đường, hạt tiêu và tựu trung phải tạo ra vị chua chua, ngọt ngọt để tôn thêm hương vị đậm đà của nem cua.

 

Khác với đồ ăn nhanh khác, đã đi thưởng thức nem là thực khách phải chờ đợi một chút. Bởi khi bước vào nhà hàng thì đầu bếp mới bắt tay vào chế biến, đảm bảo món nem được ngon và nóng hổi. Nem cua thường được ăn kèm với bún và các loại rau xà lách, mùi, thơm.

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng, Các Món Đặc Sản Ở Đồ Sơn (P1)

Đặc Sản Đồ Sơn Hải Phòng, Các Món Đặc Sản Ở Đồ Sơn (P1)
45 4 49 94 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==